Mục lục
Internet of Things là gì ?
Internet of Things (IoT) là một thuật ngữ được đưa ra bởi Kevin Ashton vào năm 1999 – người đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành trung tâm Auto ID của Đại học MIT, nơi thiết lập các quy chuẩn toàn cầu cho RFID(phương thức giao tiếp không dây thông qua sóng radio)
Theo định nghĩa của Wikipedia: “Mạng lưới vạn vật kết nối Internet hoặc là Mạng lưới thiết bị kết nối Internet viết tắt là IoT (tiếng Anh: Internet of Things) là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Nói đơn giản là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó.”
Ứng dụng Internet of Things được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực đời sống hằng ngày. Ví dụ như: quản lý cơ sở hạ tầng của xã hội, trong y tế, giao thông, nhà thông minh, mua sắm thông minh, quản lý các thiết bị cá nhân….
Với IOT người dùng có thể dễ dàng kiểm soát, điều khiển tất cả qua mạng chỉ bằng một thiết bị thông minh như smartphone, tablet, PC hay thậm chí là với chiếc smartwatch ngay trên tay của mình.
Ứng dụng của IOT trong lĩnh vực Smart Home
Smart Home là gì?
Nhà thông minh – Smart Home là kiểu nhà được lắp đặt các thiết bị điện, điện tử có thể được điều khiển hoặc tự động hóa hoặc bán tự động, thay thế con người trong thực hiện một hoặc một số thao tác quản lý, điều khiển.
Trong căn nhà thông minh, đồ dùng trong nhà từ phòng ngủ, phòng khách đến toilet đều gắn các bộ điều khiển điện tử có thể kết nối với Internet và thiết bị điều khiển như điện thoại di động, máy tính bảng, cho phép chủ nhân điều khiển vật dụng từ xa hoặc lập trình cho thiết bị ở nhà hoạt động theo lịch.
Hiện tại, smart home đang dần phổ biến hơn và được xem là tiêu chuẩn sống mới hiện nay. Mọi thiết bị trong nhà đều có thể điều khiển từ xa chỉ bằng smartphone trên tay. Hệ thống chiếu sáng tự động bật tắt khi không cần bật tắt công tắc, khi bạn không có nhà. Hay bạn có thể hẹn giờ để bật hệ thống bình nóng lạnh, điều hòa trước khi về nhà. Đặc biệt, với tính năng an ninh có thể bảo vệ ngôi nhà của bạn khỏi sự dòm ngó của trộm. Ngoài ra, bạn còn có thể điều khiển các thiết bị bằng giọng nói một cách dễ dàng và tiện lợi.
Ở những năm của thập niên 90 thì việc ngồi 1 chỗ và điều khiển các thiết bị trong nhà như máy lạnh, cửa cuốn bằng điện thoại hay giọng nói chỉ xuất hiện trong các bộ phim viễn tưởng thì nay đã trở thành hiện thực nhờ công nghệ IOT.
Một số ứng dụng phổ biến nhất khi áp dụng IOT trong Smart home.
Hệ thống chiếu sáng thông minh
Một hệ thống chiếu sáng thông minh sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Toàn bộ thiết bị chiếu sáng trong nhà sẽ được kiểm soát và điều khiển bật / tắt hoặc hẹn giờ tự động bật / tắt chỉ bằng một cái chạm nhẹ trên màn hình điện thoại. Bạn có thể tắt hay bật bất cứ chiếc đèn nào trong bất cứ căn phòng nào mà không cần di chuyển đến một bước chân, hay thậm chí khi bạn đi ra ngoài mà quên tắt đèn ta hoàn toàn có thể điều khiển các thiết bị chiếu sáng này từ xa. Trong một ngôi nhà thông minh có những vùng sáng sẽ được cố định thời gian bật tắt, ví dụ như ngoài cổng hay sân vườn, bạn hoàn toàn có thể cài đặt chế độ hẹn giờ tự hoạt động cho các thiết bị mà không cần quan tâm đến chúng. Ngoài ra hệ thống cảm biển chuyển động trong nhà thông minh sẽ giúp đèn tự động bật / tắt khi có người qua lại tại các khu vực như hành lang, cầu thang. Như vậy ta có thể thoải mái để thực hiện các công việc khác mà không lo sân vườn hay cổng ra vào không đủ ánh sáng vào buổi tối khi bạn quên không điều khiển chúng.
Hệ thống điều hòa, bình nóng lạnh, máy bơm tưới cây các thiết bị gia dụng khác
a. Điều khiển bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ.
Đây là 2 thiết bị chỉ bật khi nào cần sử dụng, với đặc tính cần thời gian để vận hành trước của các thiết bị gia dụng thì những ngôi nhà thông minh sẽ giúp bạn hoàn toàn xóa bỏ đi quãng thời gian đó. Nếu như trước đây bạn phải đợi bình nóng lạnh từ 10 tới 15 phút hay đợi máy lạnh trong vài phút thì giờ đây thay vì chờ đợi bạn có thể khởi động chúng ngay khi bạn ở ngoài bằng việc sử dụng các thiết bị thông minh, gần gũi nhất là smart phone, khi về đến nhà bạn có thể sử dụng luôn các thiết bị mà không cần chờ chúng khởi động. Điều này giúp bạn có thể tiết kiệm tối đa thời gian và lượng điện tiêu thụ trong gia đình, tránh trường hợp quên không tắt bình nóng lạnh, điều hòa khi ra ngoài.
b. Thiết bị tưới cây.
Tương tự như hệ thống điều khiển điều hoà, bình nóng lạnh, vườn cây cảnh hoặc vườn rau của gia đình sẽ không bao giờ bị thiếu nước trong những ngày hè nắng nực hoặc vào những ngày trời hanh khô ngay cả khi bạn đang đi công tác xa hoặc đang đi du lịch.
c. Điều khiển rèm cửa
Ngoài cách điều khiển rèm cửa bằng tay thông thường, hệ thống nhà thông minh cho phép người dùng điều khiển rèm tự động qua điện thoại, rất thuận lợi cho những không gian rộng với hệ thống rèm to và nặng. Chúng ta có thể hẹn giờ mở / đóng rèm theo sở thích hoặc theo lịch sinh hoạt chung của cả gia đình.
d. Cửa tự động, có hình.
Đây là một giải pháp vô cùng hữu ích được tích hợp vào hệ thống nhà thông minh. Vừa có khả năng nhận biết khách tới nhà, vừa có thể điều khiển cửa cổng mở cho khách vào ngay cả khi bạn đang dở tay trong bếp hoặc trên sân thượng. Tính năng giao tiếp “ face to face” với khách được rất nhiều người dùng yêu thích và tin chọn sử dụng.
e. Hệ thống an ninh chống trộm.
Trước đây biện pháp an ninh phổ biến nhất là lắp đặt camera. Với Nhà thông minh, hệ thống an ninh sẽ phát huy tối đa tác dụng của nó khi được kết hợp với các tính năng khác trong ngôi nhà thông minh này. Sở hữu một ngôi nhà thông minh sử dụng ứng dụng IoT đồng nghĩa với việc hệ thống an ninh giám sát an toàn, chặt chẽ hơn nhiều lần so với camera thông thường. IoT cho phép người dùng có thể theo dõi, giám sát ngôi nhà của mình dù đang đi công tác hay trong những kì nghỉ xa nhà qua smartphone hay tablet. Khi có dấu hiệu đột nhập, dựa vào những thiết lập sẵn, còi hú sẽ vang lên, đèn xoáy quay sáng, hệ thống chiếu sáng bật lên, rèm cửa ngay lập tức mở ra…. tất cả các thiết bị sẽ cùng tham gia vào “công cuộc” chống trộm, bảo đảm an ninh tuyệt đối cho ngôi nhà của bạn.
3. Hệ thống âm thanh đa vùng.
Việc nghe nhạc, giải trí với IoT trở nên đơn giản hơn bao giờ hết, vì cùng một nguồn nhạc từ smartphone, tablet có thể phát nhạc cho tất cả ngôi nhà hoặc từng khu vực riêng biệt tùy thuộc vào lựa chọn của người sử dụng. Khi chúng ta đang tưới cây ngoài vườn ta hoàn toàn có thể nghe được những bài nhạc yêu thích từ hệ thống âm thanh của ngồi nhà mà không cần đem theo máy nghe nhạc hay smart phone, bạn cũng có thể ra lệnh bằng giọng nói để chúng thực hiện và phát lại những bài nhạc bạn hay nghe. Hơn nữa bạn hoàn toàn có thể xây dựng cho mình một quy trình vận hành riêng. Mỗi buổi sáng thức dậy chiếc rèm cửa sẽ được tự động mở ra và thêm vào đó là một bản nhạc du dương chào buổi sáng vang lên.
Có thể nói, công nghệ mang tới cho cuộc sống của chúng ta rất nhiều điều tuyệt vời và những khám phá vô cùng thú vị. IOT nói chung và nhà thông minh Smart home nói riêng giúp cuộc sống của chúng ta thoải mái hơn, an toàn hơn và thuận tiện hơn.